CẢNH BÁO: Kẻ gian sẽ “móc sạch” tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thậm chí người dùng phải gánh nợ thay bằng các chiêu trò
LưuĐã lưuRemoved0
Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao liên tục diễn ra, “móc sạch” tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thậm chí người dùng phải gánh nợ thay bằng các chiêu trò, đặc biệt không chỉ tại các tỉnh thành phố như Hà Nội, T.PHCM… mà các đối tượng còn mở rộng phạm vi đến nhiều địa phương khác trong cả nước.
Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao tuy không phải là hình thức mới nhưng vẫn có nhiều trường hợp sập bẫy, mất sạch tiền trong tài khoản.
Thủ đoạn kẻ gian “móc sạch” tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng bằng tin
Cụ thể, thời gian gần đây, một số đối tượng giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố cho khách hàng. Trong quá trình trao đổi, kẻ xấu yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#.
Tuy nhiên, **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (call forward) – dịch vụ của các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng.
Tiếp đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví MoMo của nạn nhân từ xa. Tổng đài MoMo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng. Từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví.
Tài khoản ví điện tử của khánh hàng bị chiếm đoạt sau khi thực hiện theo cú pháp tin nhắn đối tượng lừa đảo gửi.
Ngoài ra kẻ xấu cũng có thể yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901.
Theo đó, đối tượng sẽ nhắn tin lừa đảo với nội dung giúp người dùng nâng cấp SIM điện thoại thành SIM 4G, 5G.
Các đối tượng này yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên hoặc nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng đưa ra. Nếu thực hiện theo, người dùng dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.
Sau đó, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp tới số điện thoại của đối tượng lừa đảo và người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại của mình.
Lúc này, đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng “Quên mật khẩu”. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến SIM điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt. Đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.
Cũng theo cơ quan công an, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc sử dụng thông tin của người bị hại để vay tiền thông qua các app cho vay trên mạng, dẫn đến người bị hại bị nợ khoản tiền lớn.
Giả danh nhà mạng yêu cầu nâng cấp SIM
Ngày 16/3, bà N.T.B. (62 tuổi, ngụ P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) phản ánh về việc suýt bị lừa chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại.
Theo đó, vào trưa 15/3, bà B. nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng đại diện một nhà mạng. Nhân viên này đề nghị bà nâng cấp sim 3G lên 4G để nâng cao chất lượng sử dụng, đồng thời hướng dẫn soạn cú pháp gửi tin nhắn đến một số điện thoại.
Tuy nhiên do không rành về thao tác trên điện thoại nên bà B. từ chối thực hiện thì lập tức bị nữ nhân viên dọa nếu không nâng cấp sim sẽ vi phạm quy định về pháp luật viễn thông, dọa sẽ kiện bà B. ra tòa.
Nhưng do đã được người thân cảnh báo không thực hiện theo yêu cầu người lạ qua điện thoại nên bà B. từ chối.
Thuê bao di động là chìa khóa để vào các tài khoản quan trọng nhất của người dùng.
Với phương thức lừa đảo này, cơ quan Công an TP.Đà Nẵng chỉ ra, các đối tượng thu thập số máy, thông tin cá nhân, tài khoản người dân trên mạng xã hội.
Tiếp đó, đối tượng giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện, dụ người dân nhắn tin để nâng cấp sim nhưng thực chất đó là cú pháp chủ thuê bao cho phép chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác. Nếu người dân thực hiện theo cú pháp àm kẻ lừa đảo đưa ra, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại.
Lúc này, đối tượng lừa đảo chỉ cần đăng nhập và chọn tính năng “Quên mật khẩu” trên các ứng dụng tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân thì nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến SIM điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt. Đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân và chiếm đoạt tài sản.
Lệnh truy nã giả
Một thủ đoạn khác lực lượng Công an cũng ghi nhận gần đây, nhiều người dân nhận được các tin nhắn với nội dung “Lệnh truy nã”. Nội dung tin nhắn này nêu thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã; đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện. Khi nhận tin nhắn nội dung tương tự nêu trên, không ít người hoang mang vì chưa được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết; tạo kẽ hở cho tội phạm lừa đảo lộng hành.
Nhiều nạn nhân sau khi nhận được những tin nhắn như vậy thì hoang mang và làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo nhưng cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí nhiều người vì lo sợ đã làm theo yêu cầu chuyển tiền để được “giải quyết”. Nhưng thực chất đây là hành vi lừa đảo của các đối tượng.
Trước tình trạng này, Đại tá Trần Ngọc Cường (Trưởng phòng Truy nã, Truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự (C02 Bộ Công an) khẳng định “cơ quan điều tra không bao giờ gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại”.
Bộ Công an khẳng định, cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung tương tự là giả mạo, người dân cần cảnh giác tránh không bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.
Việc gửi, thông báo quyết định truy nã được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012 hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã do liên Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành.
Quyết định truy nã phải được gửi đến các địa chỉ gồm: Công an xã, phường, thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn, hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an); phòng cảnh sát truy nã tội phạm (công an cấp tỉnh), nơi ra quyết định truy nã; cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); viện kiểm sát nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã; viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã; viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định truy nã; tòa án nhân dân có yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.
Bên cạnh đó, quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.
Tuyệt đối không nhắn tin theo cú pháp lạ
Trước tình trạng lừa đảo thông qua các phương thức công nghệ cao ngày càng phổ biến, Công an các tỉnh, thành phố đã liên tục có thông tin cảnh báo tới người dân về một số thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện thời gian gần đây.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo để không bị lừa đảo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không làm theo các đối tượng nếu rơi vào các tình huống đã nêu trên.
Theo một chuyên gia bảo mật, với cách thức lừa đảo mà Công an TP Hà Nội đề cập, kẻ lừa đảo nếu có đầy đủ thông tin cá nhân khác thì rất dễ dàng kích hoạt mật khẩu mới để chiếm đoạt tiền. Nhưng không chỉ có mất tiền, người dùng còn có nguy cơ phải gánh thay khoản nợ bởi các đối tượng này cũng có thể sử dụng các thông tin có được để vay tiền từ các ứng dụng, thậm chí là tổ chức tín dụng.
Thực ra thủ đoạn này không quá mới, thực tế đã có vài tổ chức tín dụng ghi nhận thông tin về việc này. Cụ thể là một số trường hợp người dùng bị đối tượng lừa đảo chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng, kích hoạt thẻ tín dụng, đăng ký vay tiêu dùng, mua hàng trực tuyến dựa trên số điện thoại.
Các chuyên gia nhấn mạnh thuê bao di động có thể là chìa khóa để vào các tài khoản quan trọng nhất của người dùng. Vì vậy, người dùng tuyệt đối không làm theo các cú pháp do người khác yêu cầu khi chưa tìm hiểu, tra cứu thông tin kỹ càng.
Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra khuyến cáo người dân cảnh giác, không thực hiện theo các tin nhắn có nội dung giả mạo.
Để bảo vệ tài sản của chính mình, người dân không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng. Người dân không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.
Tương tự, Công an thành phố Đà Nẵng có Thông báo số 551/TB-CATP-ANM gửi cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị, địa phương để cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo: Chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại cá nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội…