Các ngân hàng lớn đồng thuận giảm lãi suất cho vay bất động sản

Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngay trước cuộc họp sáng 8/2, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Các ngân hàng lớn đồng thuận giảm lãi suất cho vay bất động sản

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank. Ảnh: VCB

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sáng 8/2 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombankcho biết: “Ngay trước cuộc họp này, tổng giám đốc các ngân hàng đã thống nhất với nhau là sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Trong thời gian tới, sẽ giảm các lãi suất cho vay trong đó có cả lãi suất cho vay bất động sản”.

Năm 2022, cho vay bất động sản của Vietcombank chiếm 20% tổng dư nợ, mức tăng trưởng 17,5%. Hầu hết các dự án tốt và cá nhân mua nhà để sử dụng đúng mục đích đều được Vietcombank đáp ứng.

Tuy vậy, Vietcombank cũng phân loại rất rõ đối tượng khi cho vay bất động sản. Hiện dư nợ cho vay bất động sản tại Vietcombank có tới 90% dành cho cá nhân, doanh nghiệp chỉ chiếm 10%, trong đó tập trung các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Tùng cho biết thêm, Vietcombank cũng gặp không ít khó khăn liên quan vấn đề pháp lý. Có trường hợp cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà cả ngân hàng thương mại.

Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ, nên ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng khẳng định, năm 2022, tín dụng bất động sản của BIDV tăng tới 20%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân chung của ngân hàng, tập trung vào phân khúc cá nhân. Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lâm cho biết sẽ làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể để nắm bắt nhu cầu.

Theo đại diện Ngân hàng Techcombank, bất động sản là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển mảng bán lẻ của Techcombank. Để kiểm soát dòng tiền, Techcombank đã đi cùng tài trợ, hỗ trợ cho một số chủ đầu tư lớn và uy tín trên thị trường, được người dân quan tâm.

Dư nợ tín dụng bất động sản tại Techcombank cũng tập trung vào khách hàng cá nhân. Với doanh nghiệp và chủ đầu tư, năm 2022, chủ trương của Techcombank là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ cho những dự án có sản phẩm tốt, để triển khai và giao nhà cho người mua nhà. Nên dư nợ 2022 giảm khoảng 10% so với 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành – Ngân hàng VietinBank, cũng cho rằng doanh nghiệp và ngân hàng đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm.

Liên quan đến đề xuất cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp bất động sản, lãnh đạo VietinBank cho rằng đây là vấn đề của thị trường, nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.

Theo khảo sát, ngay từ hôm qua (7/2), một số ngân hàng lớn trong nhóm “Big 4” đã rục rịch triển khai đến các chi nhánh về việc giảm lãi suất huy động dân cư, các chi nhánh căn cứ theo chỉ đạo này để cân đối, huy động vốn đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Động thái này diễn ra sau khi cơ quan điều hành có hoạt động thanh kiểm tra và nhắc nhở một số nhà băng có lãi suất huy động trên 10%. Do đó, các ngân hàng cũng đã tiết chế hơn trong việc huy động với lãi suất cao. Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.

Chẳng hạn, VietCapitalBank lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi trực tuyến 12 tháng trở lên trong khi trước đó, cuối năm 2022, lãi suất ở kỳ hạn này là 9,5%/năm.

Tại PVCombank, trước đây lãi suất cao nhất là 9,9%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền trực tuyến (theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng). Tuy nhiên, hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm, giảm 0,4%/ năm.

Ngân hàng Techcombank đến nay đã hạ lãi suất huy động 0,3 – 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022. Hiện mức lãi suất tối đa Techcombank trả cho khách hàng VIP là 9,2%/năm, cho khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng với kỳ hạn trên 6 tháng. Trong khi đó, khách hàng thường được trả lãi 8,9%/năm.

Cần phải lưu ý, lãi suất thực tế trên thị trường vẫn có sự khác biệt so với biểu lãi suất chính thức. Mặc dù tình trạng này cũng đã bớt phổ biến hơn sau những chỉ đạo “nóng” của Ngân hàng Nhà nước.

Hồi tháng 12/2022, dưới sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, hàng loạt nhà băng đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.

Xem thêm các bài viết
Hỗ trợ tài chính Hayhomes
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh